Bệnh viêm gan C là bệnh truyền nhiễm siêu vi gây viêm gan, có thể làm tổn thương gan nghiêm trọng. Điều trị viêm gan C cần dùng thuốc đều đặn, có nguy cơ chịu nhiều tác dụng phụ và khiến đau đớn. Vậy làm thế nào để phát hiện và điều trị bệnh viêm gan C sớm? Hãy đọc ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc An Tâm để cùng tìm hiểu.

I. Bệnh viêm gan C là gì?
Viêm gan C là bệnh nhiễm trùng gan do siêu vi viêm gan C (HCV) gây ra. Bệnh lý này khiến các tế bào gan bị viêm, gây rối loạn chức năng gan. Lâu dần, tình trạng viêm trong mô gan có thể hình thành các tổn thương xơ chai vĩnh viễn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như ung thư gan và xơ gan.
Viêm gan C có thể ở dạng mãn tính và cấp tính:
- Viêm gan C cấp tính là bệnh nhiễm trùng ngắn hạn, kéo dài trong 6 tháng sau khi virus xâm nhập vào cơ thể. Có khoảng 15 – 25% ca nhiễm virus C tự khỏi hẳn, không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp viêm gan cấp tính đều dẫn đến mãn tính.
- Viêm gan C mãn tính là bệnh nhiễm trùng kéo dài trên 6 tháng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tồn tại suốt đời và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan, suy chức năng gan, thậm chí tử vong. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 71 triệu người đang bị nhiễm virus viêm gan C mãn tính toàn cầu.
II. Lịch sử phát hiện bệnh viêm gan C trong y học
Tổ chức Y Tế thế giới ước tính có khoảng 170 triệu người trên thế giới đang mắc bệnh viêm gan C.
Virus viêm gan C có 6 kiểu chính, hay còn gọi là kiểu gen.
Kiểu gen không ảnh hưởng đến mức độ nặng nhẹ của bệnh nhưng sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh. Kiểu gen của virus viêm gan C được xác định bằng xét nghiệm máu trước khi bắt đầu điều trị.
Việc xác định kiểu gen là rất quan trọng do có một số kiểu gen dễ điều trị hơn một số kiểu gen khác. Vì vậy, việc điều trị bệnh sẽ khác nhau tùy theo kiểu gen. Các loại kiểu gen cụ thể như sau:
Kiểu gen 1 chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ (ở những vùng này khoảng 70% người bị viêm gan C bị nhiễm kiểu gen 1). Loại này khó điều trị hơn và diệt sạch virus cần 48 tuần.
Kiểu gen 2 và 3 dễ điều trị hơn, nhiều bệnh nhân mắc thể viêm gan này có thể diệt sạch virus chỉ sau 24 tuần điều trị (ở châu Âu và Bắc Mỹ khoảng 30% người bị viêm gan C bị nhiễm kiểu gen 2 và 3). Hai kiểu gen này cũng thường gặp ở Úc và vùng Viễn Đông.
Kiểu gen 4 thường gặp ở châu Phi và Trung Đông, được điều trị trong 48 tuần như kiểu gen 1 (ở những vùng này khoảng 90% người bị viêm gan C nhiễm kiểu gen 4).
Kiểu gen 5 và 6 hiếm gặp hơn, được điều trị trong 48 tuần như kiểu gen 1 và 4. (ở Việt Nam kiểu gen 6 chiếm tỷ lệ cao với 20%, chỉ sau kiểu gen 1).
III. Các giai đoạn của viêm gan C

Người bị bệnh viêm gan C có thể trải qua các giai đoạn:
- Thời gian ủ bệnh
Kể từ lần đầu tiếp xúc với nguồn bệnh, thời gian này kéo dài từ 2 – 6 tháng. Trung bình là khoảng 45 ngày.
- Viêm gan C cấp tính
Viêm gan C cấp tính thường gây ra các triệu chứng sau 1 – 3 tháng kể từ khi tiếp xúc với virus và kéo dài vài tuần đến 6 tháng sau khi virus xâm nhập vào cơ thể.
Viêm gan C cấp tính có thể được cơ thể tự loại bỏ hay được điều trị bằng thuốc kháng virus.
- Viêm gan C mãn tính
Nếu cơ thể không tự loại bỏ virus sau 6 tháng, nó sẽ trở thành mãn tính. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan.
- Xơ gan
Khi gan bị viêm, các tế bào gan khỏe mạnh sẽ dần dần bị thay bằng các mô sẹo, quá trình này tiếp diễn khoảng 20-30 năm. Nó có thể diễn ra nhanh hơn nếu người bệnh bị nhiễm HIV hoặc uống rượu.
- Ung thư gan
Xơ gan dẫn đến ung thư gan. Bệnh nhân cần được kiểm tra thường xuyên vì bệnh này thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu.
IV. Những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm gan C
1. Dấu hiệu của bệnh viêm gan C cấp tính
- Một số người bệnh có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng mắt, vàng da, nước tiểu đậm màu. Chẩn đoán bệnh viêm gan C dựa vào kết quả xét nghiệm máu.
- Thời gian lây nhiễm HCV dưới 6 tháng
2. Dấu hiệu của bệnh viêm gan C mãn tính
- Người bị nhiễm virus viêm gan C nhiều năm thì gan có thể bị tổn thương. Trong nhiều trường hợp, bệnh không có triệu chứng cho tới khi xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.
- Ở những bệnh nhân không có triệu chứng, viêm gan C thường được phát hiện khi xét nghiệm men gan trong máu (AST, ALT) tăng cao và có tới 20-30% viêm gan mạn tính sau một thời gian có thể phát triển thành xơ gan, trong đó 30% có thể dẫn đến ung thư gan tiên phát sau 10 – 20 năm. Những bệnh nhân này cũng có thể có các triệu chứng khác như sưng ở bụng và chân, tích tụ chất độc trong máu có thể dẫn đến tổn thương não.
Nhiễm virus phối hợp 2 loại viêm gan C và viêm gan B có nguy cơ dẫn đến xơ gan và ung thư gan nguy hiểm gấp nhiều lần so với bị một loại viêm gan. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế gây ung thư gan của virus viêm gan C vẫn chưa được biết rõ.
V. Những nguyên nhân phát bệnh viêm gan C

Bệnh viêm gan C do siêu vi viêm gan C (HCV – Hepatitis C Virus) gây ra. Virus viêm gan C có đa hình thái kiểu gen rất cao. Hiện nay, giới y học đã xác định được 6 kiểu gen chính từ 1 đến 6 của loại virus này. Kiểu gen HCV chủ yếu ở bệnh nhân tại Việt Nam là kiểu gen 1, tiếp theo lần lượt là kiểu gen 6, 2 và 3. Dựa vào kiểu gen virus mà các bác sĩ sẽ khuyến cáo điều trị khác nhau.
VI. Virus viêm gan C có lây không?
Viêm gan C có khả năng lây truyền cao. Virus viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu với các hình thức sau:
- Dùng chung dụng cụ sử dụng ma tuý: Dụng cụ liên quan đến việc tiêm chích ma túy, từ kim tiêm, ống tiêm cho đến garô (dây thắt) đều có thể dính máu và lây truyền bệnh viêm gan C. Các loại ống dùng để hít hoặc hút ma túy cũng có thể dính máu do chảy máu cam hoặc nứt môi.
- Dùng chung dụng cụ xỏ khuyên hoặc xăm: Các thiết bị xỏ khuyên, xăm và mực xăm có thể khiến lây lan virus.
- Sử dụng hoặc tái sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách, đặc biệt là các loại bơm kim tiêm
- Truyền máu không sàng lọc virus HCV
- Dùng chung các đồ dùng có khả năng dính máu của người bệnh như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, đồ cắt móng tay,…
- Virus HCV có thể lây truyền từ mẹ sang con và qua đường tình dục. Tuy nhiên, phương thức lây truyền này ít phổ biến hơn.
- Viêm gan C không lây lan qua nước uống, thức ăn, tiếp xúc thông thường như hôn, ôm và dùng chung đồ ăn, thức uống với người bị bệnh.
VII. Những người dễ mắc bệnh viêm gan C
Viêm gan C là một căn bệnh rất dễ lây và ai cũng có thể mắc phải bệnh này. Những đối tượng dễ mắc viêm gan C là:
- Người tiêm chích ma túy: Đây là một trong những cách lây nhiễm virus viêm gan C phổ biến nhất.
- Nhân viên chăm sóc sức khỏe: Y tá, bác sĩ, nhân viên phòng thí nghiệm có nhiều nguy cơ tiếp xúc với máu hoặc vô tình bị kim đâm.
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo: Bệnh nhân có thể bị lây nhiễm do sử dụng các thiết bị lọc máu không được vệ sinh đúng cách.
- Người có đời sống tình dục không lành mạnh: Quan hệ tình dục không bảo vệ, quan hệ tình dục với nhiều người sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus.
- Người có người thân mắc bệnh: Tiếp xúc gần hàng ngày với người bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Người xỏ khuyên hoặc có hình xăm trên cơ thể: Các thiết bị và vật dụng xỏ khuyên/xăm hình có thể bị nhiễm HCV, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
- Trẻ em có mẹ mắc bệnh viêm gan C: Nếu người mẹ bị nhiễm HIV và viêm gan C, trẻ sơ sinh sẽ có khả năng bị nhiễm bệnh hơn.
- Thuộc nhóm tuổi có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan C cao: Từ 55 đến 75 tuổi.
Các đối tượng có nguy cơ nhiễm virus viêm gan C cao nên thực hiện xét nghiệm viêm gan C để xác định tình trạng lây nhiễm của bản thân hiện tại và có kế hoạch điều trị sớm khi mắc bệnh.
VIII. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm gan C

Viêm gan C nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm gan mãn tính: Khoảng 70-80% trường hợp nhiễm virus viêm gan C sẽ chuyển thành mạn tính nếu không tiêu diệt được virus sau 6 tháng. Viêm gan C mạn tính tiến triển rất âm thầm qua 10-30 năm, do vậy người bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh chỉ được phát hiện khi đã có những biến chứng nghiêm trọng như giãn mạch máu đường tiêu hóa, xơ gan, gây chảy máu ồ ạt và tử vong.
Khi bị xơ, gan rất khó hồi phục lại dù tình trạng viêm gan có thuyên giảm. Do vậy, các bác sĩ chuyên khoa khuyên bệnh nhân nên điều trị sớm để ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan.
- Xơ Gan: Virus viêm gan C gây tổn thương gan trong nhiều năm sẽ có khả năng gây ra xơ gan và hình thành mô sẹo. Mô sẹo sẽ mất một thời gian dài khoảng 20 – 30 năm để làm tổn thương gan dẫn đến xơ gan. Nếu tình trạng xơ gan không được điều trị đúng cách thì nguy cơ suy gan là rất cao.
Khi gan bị xơ, các tế bào khỏe mạnh tạo sẽ bị tổn thương, tạo nên các vết sẹo và những mô sợi. Chúng làm chậm dòng chảy của máu qua gan, gây tồn đọng máu trong các tĩnh mạch của hệ thống tiêu hóa.
Ở giai đoạn đầu của xơ gan, bệnh nhân thường có những biểu hiện rất mơ hồ như: chán ăn, mệt mỏi hoặc đau nhẹ ở vùng bụng bên phải, đôi lúc không có bất kỳ biểu hiện nào. Một biến chứng phổ biến của xơ gan là tăng áp tĩnh mạch cửa, trong đó là tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa (nơi giúp vận chuyển máu giữa các cơ quan của gan và hệ tiêu hóa)
- Suy gan: Sau khi bị xơ gan do viêm gan C, nếu không được điều trị thì bệnh sẽ diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn vì các mô sẹo do virus gây ra tiếp tục phát triển làm cho chức năng gan giảm dần dẫn đến suy gan. Đây là biến chứng rất nguy hiểm và việc điều trị kháng virus là việc cần thiết và quan trọng để thải loại virus nhằm phòng tránh các biến chứng
Suy gan có các dấu hiệu rất nghiêm trọng như: vàng mắt, vàng da, đi tiểu giảm, chân tay bị sưng phù, thay đổi tính cách, cổ trướng.
- Ung Thư Gan: Viêm gan C mãn tính là một trong những tác nhân gây ung thư gan. Khi bị nhiễm virus viêm gan C, nguy cơ bị ung thư gan sẽ gấp 12 lần so với những người không bị nhiễm. Thực tế, ung thư gan thường xảy ra ở những người bị xơ gan trước đó.
Ngoài việc tấn công và hủy hoại gan, các biến chứng của bệnh viêm gan C còn gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể. Vì khi nhiễm virus viêm gan C, cơ thể sẽ hình thành kháng thể chống lại, kháng thể này gây ra tác hại đến các cơ quan khác của cơ thể như: thận bị tổn thương, tê, ngứa, da mẩn đỏ, loét, đau do tổn thương dây thần kinh, đau khớp,…. Bên cạnh đó, viêm gan siêu vi C cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh khác như trầm cảm, đái tháo đường,…
IX. Phương pháp chẩn đoán và điều trị dứt điểm viêm gan C
1. Chẩn đoán, xét nghiệm viêm gan C
Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm gan C qua xét nghiệm máu. Trước tiên, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể chống HCV. Kháng thể chống HCV là những chất cơ thể tạo ra để chống lại virus viêm gan C, thường xuất hiện sau 12 tuần sau khi bị nhiễm virus.
Nếu kết quả xét nghiệm kháng thể chống HCV dương tính, bệnh nhân có khả năng cao bị nhiễm virus. Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân tiếp tục thực hiện một số xét nghiệm khác để xác định chẩn đoán như:
- Xét nghiệm HCV – RNA (đo lượng HCV): Đo lượng ARN virus hiện có trong máu bệnh nhân
- Xét nghiệm xác định kiểu gen: Để tìm ra loại virus viêm gan C đang gây bệnh, do hiện tại có đến 6 kiểu gen chính của HCV. Thông tin này sẽ giúp xác định phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Nếu các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương gan hoặc bị viêm gan C mãn tính, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm kiểm tra hoạt động của gan như kiểm tra độ xơ gan qua chụp cắt lớp, xét nghiệm chức năng gan, siêu âm đàn hồi hoặc cộng hưởng từ gan phát hiện u gan, hình ảnh gan qua siêu âm bụng, xét nghiệm máu tầm soát sớm ung thư tế bào gan (HCC Risk),…
2. Những phương pháp điều trị viêm gan C
Thông thường, nhiễm trùng viêm gan C điều trị bằng thuốc kháng virus. Việc lựa chọn loại thuốc và thời gian điều trị dựa vào kiểu gen HCV, các tổn thương gan, các tình trạng y tế khác (nếu có) và các phương pháp điều trị trước.
Hiện nay, phác đồ điều trị viêm gan C thường sử dụng các loại thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp (DAAs) như Ledipasvir, Daclatasvir, Sofosbuvir, Elbasvir, Grazoprevir, Velpatasvir,… có tác dụng loại bỏ virus viêm gan C hoàn toàn khỏi cơ thể, đồng thời ngăn ngừa tổn thương gan.
Với phác đồ sử dụng DAAs, thời gian điều trị trung bình là 12 tuần, một số trường hợp lên đến 24 tuần. Việc sử dụng DAAs tùy trường hợp cụ thể mà có thể phối hợp hoặc không phối hợp với Ribavirin.
Nếu bệnh nhân đã phát triển các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm viêm gan C mãn tính, bác sĩ có thể trao đổi với bệnh nhân và gia đình để tiến hành ghép gan. Ghép gan là phẫu thuật thay thế toàn bộ hoặc một phần lá gan đã bị hư hỏng của bệnh nhân bằng gan khỏe mạnh từ người hiến tặng.
Ngoài việc điều trị bằng các phương pháp y khoa, một chế độ ăn uống hợp lý cũng giúp người bệnh giảm tình trạng cho gan và mau chóng phục hồi thể lực. Bệnh nhân nên chủ động bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe như các loại hạt, các loại đậu, thịt gà, rau xanh, cá, trái cây,… Bên cạnh đó, bệnh nhân nên hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, nội tạng động vật, thịt đỏ…, kiêng bia, rượu và thuốc lá.

Cần lưu ý người bệnh có thể bị viêm gan C nhiều lần. Vì vậy, sau khi điều trị thành công, bệnh nhân cần cảnh giác, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn nhiễm trùng tái phát.
Hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật khi biến chứng thành ung thư gan: Bệnh nhân cần được kiểm soát triệu chứng khi viêm gan nặng hơn:
- Chướng bụng: Bác sĩ có thể kê thuốc lợi tiểu, thuốc giúp loại bỏ chất lỏng khỏi cơ thể hoặc dùng kim rút chất lỏng ra nếu cần thiết. Sự tích tụ chất lỏng làm cho bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, vì vậy bạn có thể tiêm tĩnh mạch hoặc dùng kháng sinh đường uống.
- Giảm áp lực tĩnh mạch: Bệnh nhân có thể dùng thuốc chẹn beta để giảm huyết áp trong tĩnh mạch.
- Xuất huyết trong thực quản: Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng bệnh nhân, giảm phù mạch máu thực quản, ngăn chặn tình trạng vỡ mạch máu.
- Thải độc cho gan: Bác sĩ có thể dùng thuốc giúp bệnh nhân giảm lượng protein nạp vào cơ thể để giảm tải cho gan.
X. Một số cách phòng ngừa bệnh viêm gan C
Viêm gan C có thể phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh. Một số phương pháp phòng ngừa lây nhiễm viêm gan C hiệu quả như sau:
- Không dùng chung kim tiêm: Những người sử dụng ma túy qua đường máu có khả năng bị lây nhiễm viêm gan C rất cao vì dùng chung bơm kim tiêm. Ngoài ra, HCV cũng có thể tồn tại trong các dụng cụ khác như ống hít, ống hút khi sử dụng ma túy trái phép.
- Không tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chế phẩm từ máu: Những người làm trong ngành y tế, xét nghiệm cần cẩn thận, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh. Các dụng cụ và thiết bị y tế sau khi sử dụng đều phải được vứt bỏ hoặc tiệt trùng an toàn để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh viêm gan C.
- Không dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân: Không dùng chung các vật dụng như dao cạo râu, cắt móng tay, bàn chải đánh răng, kéo,… để tránh bị dính máu và lây lan virus.
- Chọn tiệm xỏ khuyên và xăm cẩn thận: Lựa chọn tiệm xỏ khuyên và xăm uy tín, có quy trình vệ sinh an toàn sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm.
- Quan hệ tình dục an toàn: Không được quan hệ tình dục không bảo vệ với nhiều bạn tình hoặc với bất kỳ ai có tình trạng sức khỏe không đảm bảo.
Ngoài ra, việc duy trì một lối sống lành mạnh, quản lý cân nặng tốt, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân độc hại cho gan như rượu bia, chất kích thích, thuốc lá, hóa chất… và khám sức khỏe định kỳ cũng là phương pháp giúp bạn bảo vệ gan, phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm gan C cũng như các bệnh về gan khác.
XI. Những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm gan C
1. Có vắc xin phòng bệnh viêm gan C không?

Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan C. Mặc dù một số nghiên cứu đang được thực hiện nhưng chưa có đầy đủ bằng chứng về hiệu quả và an toàn của chúng. Việc phát triển vắc-xin cho bệnh viêm gan C đang gặp nhiều khó khăn, HCV có nhiều kiểu gen, nhiều phân nhóm và có thể biến đổi nhanh chóng, do vậy, chúng dễ dàng thoát khỏi hệ thống miễn dịch.
Tuy nhiên, đã có vắc xin cho viêm gan siêu vi B và A. Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân viêm gan C tiêm các loại vắc xin này vì viêm gan B và A có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau trong quá trình điều trị viêm gan C.
2. Bị nhiễm viêm gan C trong quá trình mang thai có sao không?
Viêm gan C có thể lây từ mẹ sang con, tuy nhiên khả năng lây nhiễm không cao (chỉ khoảng 4 – 8%). Nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên nếu người mẹ đồng nhiễm HIV hoặc có lượng virus viêm gan C cao.
Mẹ bị mắc viêm gan C không làm tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm gan C có thể tiến triển nặng, đe dọa đến sự an toàn của cả mẹ và con.
Vì vậy, trong trường hợp nghi ngờ bản thân nhiễm HCV khi đang mang thai, bạn cần đến các bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn cách điều trị và xét nghiệm. Không được tự ý sử dụng thuốc để tránh các hậu quả nghiêm trọng sau này.
3. Cách tránh lây bệnh viêm gan C cho người khác
Bệnh nhân viêm gan C cần thực hiện các biện pháp dưới đây để tránh lây bệnh cho người khác:
- Để riêng các dụng cụ cá nhân có khả năng gây tổn thương, chảy máu như kéo, cắt móng tay, dao cạo, bàn chải đánh răng để tránh dính sang người khác hay nhầm lẫn khi sử dụng
- Luôn dự trữ sẵn găng tay y tế, đề phòng khi bị thương hoặc cần người chăm sóc sức khỏe
- Nếu có vết thương hở, bệnh nhân cần băng bó cẩn thận, tránh dính ra các vật dụng khác hoặc khi tiếp xúc với người khác.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc quan hệ tình dục khi đang mắc bệnh, có đời sống tình dục lành mạnh
- Phụ nữ mắc viêm gan C cần điều trị triệt để tránh lây nhiễm bệnh cho con.
4. Virus viêm gan C có thể sống ở bên ngoài cơ thể bao lâu?
HCV có thể tồn tại trên các bề mặt ở nhiệt độ phòng ít nhất 16 giờ và không quá 4 ngày. Các nhà nghiên cứu người Mỹ đã công bố một phát hiện cho thấy trong những trường hợp thích hợp, HCV vẫn tồn tại trong một ống tiêm lên đến 63 ngày.
Viêm gan C là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các bệnh về gan mãn tính. Mặc dù nguy hiểm nhưng bệnh lý này hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, khi có các biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ mình bị lây nhiễm HCV, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và làm xét nghiệm chẩn đoán
5. Viêm gan C có chữa được không?
Viêm gan C có thể chữa được. Tuy nhiên, việc chữa trị viêm gan C không dễ dàng và thoải mái. Ngoài ra, việc điều trị không phải lúc nào cũng loại bỏ hoàn toàn được virus gây bệnh.
Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh viêm gan c mạn tính cũng như cách điều trị bệnh lý này chi tiết mà Nhà thuốc An Tâm chia sẻ đến bạn. Mong rằng bạn đã biết những triệu chứng điển hình của căn bệnh viêm gan C và bảo vệ tốt cho sức khỏe của bản thân cũng như gia đình.