Bạn chắc chắn không còn quá xa lạ với bệnh viêm amidan. Đây là bệnh có thể xảy ra ở nhiều người không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Vì là một bệnh phổ biến chính vì thế việc tìm hiểu kiến thức về bệnh này để giúp bản thân và gia đình có sức khỏe tốt hơn là điều nên làm. Cùng Nhà thuốc An Tâm tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm amidan trong bài viết sau đây nhé.
Viêm Amidan là bệnh gì?
Amidan nằm ở vị trí cầu nối giữa đường thở và đường tiêu hóa, nó có nhiệm vụ sản sinh ra các kháng thể, đảm bảo hệ miễn dịch của cơ thể và chống lại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Nhưng do cấu trúc nhiều ngăn, nhiều hốc nên giống như một hạch bạch huyết có nhiều múi, thức ăn dễ đọng lại tại đây, gây hôi miệng và viêm nhiễm. Đó được gọi là viêm Amidan.
Có thể bạn quan tâm đến thông tin bệnh: Ung thư vòm họng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Phân loại
Viêm Amidan thường được chia thành 2 thể
Viêm amidan cấp
Biểu hiện chung: sốt cao, hơi thở hôi, đau mỏi mình mẩy, cảm giác đau nhói tại chỗ tương ứng hai bên góc hàm, đau lan lên tai, đau tăng khi nuốt, ho nhiều từng cơn, ở trẻ em thường khò khè, ngủ ngáy. Và bao gồm
Viêm amidan do virut
Toàn bộ niêm mạc họng đỏ, 2 amidan sưng to, đỏ, bề mặt phủ một lớp chất nhầy, không có mủ, viêm đỏ ở sau họng.
Viêm amidan do vi khuẩn
Niêm mạc đỏ rực, 2 amidan to, trên bề mặt có mủ, không chảy máu. Đôi khi có thể kèm theo ngạt mũi và khàn tiếng do viêm nhiễm đường hô hấp trên phối hợp.
Viêm amidan cấp do liên cầu bêta tan huyết nhóm A
gây sốt cao, mệt mỏi, đau họng, đau đầu, hạch góc hàm sưng to, đau. Xét nghiệm có liên cầu beta tan huyết nhóm A, dễ biến chứng nặng.
Viêm amidan mạn tính
Lúc này Amidan phát triển to quá mức hoặc xơ teo do nhiều đợt viêm cấp tính và có các biểu hiện chung: vướng họng, đôi khi đau nhói trong họng, thỉnh thoảng ho khan, khàn tiếng, hơi thở hôi. Bao gồm:
Viêm amidan quá phát (amidan phát triển to quá mức)
2 amidan to chạm nhau, trên bề mặt có nhiều khe, hốc hay có mủ nhầy hoặc chất bã đậu gây hiện tượng ngủ ngáy, trẻ dễ gặp hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Viêm amidan thể xơ teo
2 amidan nhỏ nằm trong hốc amidan, bề mặt xơ, có nhiều hốc chứa chất bã đậu, hai trụ amidan viêm dày đỏ, sẫm màu.
Có thể bạn quan tâm đến thông tin bệnh: Bệnh tiểu đường là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nguyên nhân gây viêm amidan là gì?
Có rất nhiều yếu tố được cho là nguyên nhân gây ra viêm amidan. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn.
Ngoài ra có thể kể đến một số các nguyên nhân khác như:
- Mắc các bệnh hô hấp như viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm, viêm thanh quản,….
- Người vệ sinh răng miệng kém.
- Thường xuyên sử dụng đồ uống, thức ăn lạnh.
- Môi trường sinh sống nhiều khói bụi, ô nhiễm.
- Thay đổi thời tiết đột ngột.

Các triệu chứng viêm amidan
Viêm amidan gồm 2 thể cấp tính và mạn tính. Biểu hiện của bệnh viêm amidan thường thấy nhất là:
Biểu hiện chung: ho, sốt, nôn trớ, đau họng, khó thở, khò khè, hôi miệng, khó nuốt, khó phát âm, hạch ở vùng cổ nhìn vào thấy bị sưng, đau.
Triệu chứng của bệnh viêm amidan cấp tính:
- Gây sốt cao, nhức đầu, cơ thể suy kiệt, các biểu hiện chung ồ ạt, mạnh mẽ hơn viêm họng mạn tính.
- Khi viêm nhiễm lan xuống thanh khí phế quản, gây ho từng cơn có đờm nhầy, khàn tiếng và đau tức ngực. Khám thấy môi khô, lưỡi trắng bẩn.
- Nếu do virut gây bệnh thì toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực và xuất tiết trong, amidan sưng to và đỏ, các tổ chức bạch huyết thành sau họng cũng sưng to và đỏ. Có thể kèm theo các triệu chứng chảy mũi, ho, khàn tiếng, viêm kết mạc. Hạch dưới góc hàm không sưng to.
- Nếu do vi khuẩn gây bệnh thì amidan sưng to và đỏ, trên bề mặt có những chấm mủ trắng hoặc mảng bựa trắng. Hạch dưới góc hàm sưng đau.

Triệu chứng của bệnh viêm amidan mạn tính:
- Sốt nhẹ hoặc không sốt
- Cảm giác ngứa vướng và rát trong họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng phải khạc nhổ, hơi thở hôi do chất mủ chứa trong các hốc của amidan.
- Ho khan từng cơn nhất là về buổi sáng khi mới ngủ dậy.
- Giọng nói mất trong, thỉnh thoảng khàn nhẹ.
- Nếu amidan viêm mạn tính quá phát có thể thở khò khè, đêm ngủ ngáy to. Nếu amidan quá to có thể gây khó nuốt, khó thở, đặc biệt có thể gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ.
Xem thêm thông tin bệnh khác: Bệnh
Biến chứng của viêm amidan
Những biến chứng tại chỗ
- Abces quanh amidan: Amidan to, khẩu cái mềm, đỏ, đau, lưỡi gà lệch sang bên lành, há miệng khó, sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Biến chứng này xảy ra khi viêm amidan cấp tính không được điều trị kịp thời hoặc viêm amidan mạn tính có viêm nhiễm lan rộng.
Những biến chứng gần
- Viêm thanh khí phế quản, abces thành bên họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm tấy hạch dưới hàm.
Những biến chứng toàn thân
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Khi tình trạng viêm amidan trở nên nghiêm trọng, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gặp, đặc biệt là trẻ em.
- Nhiễm trùng huyết: Người bệnh sốt cao, rét run, có vẻ mặt nhiễm trùng, cấy máu thấy vi khuẩn. Đây là biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
- Viêm khớp, viêm cầu thận cấp, thấp tim: Do vi khuẩn beta tan huyết nhóm A gây nên. Viêm amidan do khuẩn beta tan huyết nhóm A chiếm 20-30% trong tổng số ca mắc và thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi. Biến chứng này thường xảy ra nhanh và khó nhận biết trong giai đoạn đầu. Một số dấu hiệu nhận biết viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A là: sốt cao liên tục 39- 40 độ C, mệt mỏi. Khám thấy amidan 2 bên có nhiều mủ trắng, bẩn. Hạch 2 bên sưng đau, di động. Xét nghiệm máu có chỉ số bạch cầu tăng rất cao. Để chẩn đoán xác định, người ta lấy dịch ở hầu họng đem đi nuôi cấy để tìm liên cầu. Đồng thời, định lượng kháng thể kháng liên cầu trong máu qua phản ứng ASLO.
Phương pháp chẩn đoán viêm amidan
- Bệnh viêm amidan được chẩn đoán qua trực quan khi kiểm tra sức khỏe và cổ họng. Bác sĩ khám cổ họng bằng cách vuốt nhẹ cổ họng, quan sát cổ họng bạn hoặc xét nghiệm chuyên khoa để xác định nguyên nhân gây ra chứng nhiễm trùng cổ họng của bạn để biết đó có phải là amidan hay không.
- Bệnh viêm amindan dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp tương tự như viêm thanh quản hay viêm thận cấp viêm họng mãn tính nên cần đi khám và kiểm tra 2 đến 3 lần.
Phác đồ điều trị bệnh viêm amidan
Bệnh viêm amidan cấp tính
- Nguyên tắc điều trị: Chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng. Kháng sinh được chỉ định khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.
Điều trị cụ thể:
- Hạ sốt: Thuốc hạ sốt thông dụng là paracetamol liều dùng 10- 15 mg/kg/ lần, tối đa không quá 60mg/kg/ngày.
- Kháng sinh: Chỉ định trong trường hợp viêm amidan do vi khuẩn hoặc đe dọa biến chứng. Nhóm kháng sinh thường dùng là beta lactam (amoxilline, cephalosporin…). Nếu bệnh nhân dị ứng chuyển sang dùng kháng sinh nhóm macrolid ( erythromycin, azithromycin, clarithromycin…).
- Nhỏ mũi bằng các thuốc sát trùng nhẹ.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, vệ sinh họng bằng nước ấm hoặc bằng NaCl 0.9%.
- Nâng cao thể trạng cơ thể.
- Nghỉ ngơi, ăn lỏng, uống nhiều nước.
- Theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng.
Bệnh viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn tính thường có phác đồ điều trị bằng biện pháp phẫu thuật. Có thể thấy, phẫu thuật cắt amidan rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, việc chỉ định phẫu thuật cần chặt chẽ.
Phẫu thuật cắt amidan khi:
- Amidan viêm mạn tính nhiều lần (thường là 5- 6 lần/ năm).
- Amidan viêm mạn tính gây biến chứng viêm tấy abces quanh amidan, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản…
- Amidan mạn tính gây biến chứng viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, nhiễm khuẩn huyết, rối loạn tiêu hóa kéo dài…
- Amidan mạn tính quá phát gây khó thở, đặc biệt là gây hội chứng ngưng thở khi ngủ (hội chứng Pickwick sleep), khó nuốt, nói khó.
Cách phòng bệnh viêm amidan
Chế độ sinh hoạt:
- Giữ vệ sinh răng miệng và vòm họng sạch sẽ, tránh vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra răng miệng, tai mũi họng định kỳ.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi.
- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ ăn và chế độ luyện tập phù hợp.
Người mắc viêm amidan nên ăn gì?
- Thức ăn mềm, lỏng: Người mắc viêm amidan nên ăn các thức ăn dưới dạng mềm, lỏng để tránh làm tổn thương niêm mạc họng.
- Uống nhiều nước: Việc bổ sung nước là rất cần thiết, nhất là những người mắc viêm amidan cấp, có sốt cao. Bệnh nhân có thể bổ sung nước lọc hoặc thay bằng nước ép rau củ.
- Rau xanh, hoa quả tươi: Bổ sung chất xơ và vitamin cần thiết giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, sử dụng rau xanh và hoa quả tươi còn có tác dụng làm dịu mát cổ họng, giảm đau rát hiệu quả. Bệnh nhân nên sử dụng rau xanh bằng cách luộc hoặc nấu, hạn chế các món chiên xào, sử dụng quá nhiều mỡ và gia vị. Các loại quả được khuyến khích bổ sung là cam, bưởi, các loại quả chứa nhiều vitamin C.
- Các loại thực phẩm nhiều đạm: Giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể, nâng cao thể trạng. Bệnh nhân có thể bổ sung các thực phẩm chứa nhiều đạm như thịt, cá, trứng, sữa.
Bệnh nhân viêm amidan nên kiêng ăn gì?
- Đồ ăn quá cứng: Đồ ăn cứng làm tổn thương niêm mạc họng, tăng tình trạng đau rát họng ở bệnh nhân.
- Các đồ ăn, thức uống lạnh: Làm tăng triệu chứng của bệnh, khiến cho viêc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.
- Đồ ăn cay nóng: Người mắc bệnh viêm amidan nên kiêng đồ ăn cay nóng, đặc biệt là những người mắc viêm amidan cấp. Thức ăn cay nóng thường làm cho việc hạ sốt gặp nhiều khó khăn và tăng triệu chứng đau rát cổ họng rất nhiều.
- Bia rượu và các chất kích thích: Ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, khiến cho quá trình sưng viêm amidan khó kiểm soát hơn.
KẾT LUẬN
Trên đây là các thông tin tổng quan về viêm amidan.
Nếu còn điều gì thắc mắc các bạn có thể đến trực tiếp Nhà thuốc An Tâm hoặc gọi vào số hotline 0937542233 để được chúng tôi tư vấn trực tuyến.