Vô sinh hiếm muộn là tình trạng vợ chồng sau khi chung sống, quan hệ tình dục thường xuyên và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào nhưng người phụ nữ vẫn không có thai. Hiện nay, có ít nhất 10% phụ nữ đang phải đối mặt với các bệnh lý dẫn đến tình trạng này. Vậy có triệu chứng nào giúp nhận biết sớm loại bệnh này không? Hãy cùng nhà thuốc An Tâm tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
I. Khái niệm vô sinh nữ
Vô sinh nữ là tình trạng mà khả năng mang thai và sinh con bị suy giảm. Những cặp vợ chồng có quan hệ tình dục và không sử dụng bất kỳ biện pháp an toàn nào trong vòng một năm hoặc 6 tháng đối với phụ nữ trên 35 tuổi mà chưa mang thai thì được chẩn đoán vô sinh. Nếu nguyên nhân xuất phát từ người vợ thì điều này nghĩa là vô sinh nữ hay vô sinh có “yếu tố nữ”.
Theo số liệu thống kê của các trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, nguyên nhân đứng đầu gây nên vô sinh nữ ở nước ta hiện nay là do viêm nhiễm đường sinh dục. Cũng trong nghiên cứu của một nhóm tác giả tại Bệnh viện Phụ sản trung ương và bộ môn Sản – Phụ của Đại học Y Hà Nội thì cho thấy: với 14.000 cặp vợ chồng ở 8 vùng sinh thái trong cả nước thì tỷ lệ vô sinh toàn quốc là 7,7%. Trong đó, vô sinh nguyên phát (chưa hề mang thai) chiếm 3,9% còn vô sinh thứ phát (từng mang thai ít nhất 1 lần) chiếm 3,8%. Như vậy, ta có thể thấy rằng tình trạng vô sinh nguyên phát và thứ phát có chênh lệch vô cùng nhỏ, tương đối ngang bằng nhau.
II. 9 triệu chứng giúp nhận biết sớm bệnh vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ
Nhìn chung, các triệu chứng cảnh báo vô sinh ở nữ giới thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, các vấn đề của nội tiết tốt cũng như những thay đổi của cơ quan sinh sản. Một số triệu chứng vô sinh dễ gặp như:
1. Kinh nguyệt không đều
Để quá trình rụng trứng xảy ra, vùng dưới đồi sẽ thúc đẩy tuyến yên tiết ra hormone nhằm kích hoạt buồng trứng là chín trứng. Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh cho thấy quá trình có thể không diễn ra hoặc không đều.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng phổ biến nhất là hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS). Mỗi giai đoạn rụng trứng, buồng trứng sẽ tạo ra các nang nhỏ và có một nang chín để phóng noãn làm rụng trứng nhằm tạo ra cơ hội thụ tinh trong chu kỳ. Tuy nhiên, khi người bệnh mắc buồng trứng đa năng thì các nang trứng nhỏ sẽ hình thành ở ngoại vi buồng trứng. Từ đó, quá trình rụng trứng không diễn ra. Điều này dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt không đều và người phụ nữ sẽ khó mang thai.
Ngoài nguyên nhân trên thì chu kỳ hành kinh không đều cũng có thể do một số nguyên nhân khác như: phụ nữ bị thừa cân hoặc quá nhẹ cân, người bị tăng prolactin máu, suy buồng trứng nguyên phát, dự trữ buồng trứng thấp hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp…
2. Dịch tiết âm đạo bất thường
Nếu cơ thể người phụ nữ gặp một trong những biểu hiện sau: tăng dịch tiết âm đạo bất thường, màu sắc dịch tiết vàng hoặc xanh, có mùi hôi, ngứa rát…thì họ có nguy cơ bị viêm nhiễm hoặc các bệnh về đường tình dục khác. Do đó, nếu gặp một trong những triệu chứng trên thì bạn nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa sản để thăm khám và có hướng điều trị phù hợp, tránh biến chứng gây vô sinh.
3. Đau khu vực vùng chậu
Những cơn đau ở vùng chậu có thể là biểu hiện của bệnh viêm vùng chậu – một bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nếu không điều trị dứt điểm trị chứng này, viêm vùng chậu có thể gây áp xe vùng chậu. Khi khối áp xe đó vỡ có thể gây viêm phúc mạc, sẹo ở tại vòi trứng làm ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh của trứng và tinh trùng.
Trong một số trường hợp, viêm vùng chậu có thể để lại di chứng đau vùng chậu mãn tính. Nguyên nhân của tình trạng này là do vi khuẩn neisseria gonorrhoeae và chlamydia trachomatis đều chứa phân tử có khả năng kết dính với các receptor của tế bào biểu mô đường sinh dục. Ngoài ra, các vi khuẩn này còn có thể tiết nội độc tố làm tổn thương các lông chuyển trên nội mạc vòi trứng, dẫn đến xơ dính. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình thụ thai cũng như gia tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
4. Rối loạn nội tiết tố ở nữ giới
Rối loạn nội tiết tố là tình trạng mất cân bằng hormone sinh sản bên trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ mắc phải một số bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ. Việc rối loạn nội tiết có thể diễn ra âm thầm và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Và nếu người bệnh không điều trị kịp thời thì đây cũng là một trong các nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ.
Cụ thể, rối loạn nội tiết tố có thể dẫn đến tình trạng rối loạn rụng trứng. Trong thời gian dài, cơ thể phụ nữ không rụng trứng sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, tăng sản nội mạc tử cung và không thể đối kháng theo chu kỳ của progesteron. Vì vậy, người bệnh sẽ dễ bị ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư vú. Đây chính là các yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới.
Bên cạnh đó, tình trạng này còn làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, phát sinh các bệnh về tuyến giáp, tuyến yên và thận. Những loại bệnh này vô cùng nguy hiểm vì chúng có nhiều biến chứng khó lường. Các biến chứng đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống sinh sản của phụ nữ và đặc biệt dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
5. Tiết dịch bất thường ở bầu ngực
Nếu bạn không mang thai nhưng phát hiện mình có dịch tiết bất thường ở đầu ngực và dịch tiết màu trắng đục như sữa thì đây có thể là dấu hiệu bạn có mức prolactin cao. Khi nồng độ hormone này tăng cao thì nó sẽ ngăn cản việc sản xuất của hormone giới tính. Tùy vào mức độ prolactin, phụ nữ có thể bị vô sinh do rụng trứng kém hoặc không rụng trứng.
6. Sảy thai nhiều lần liên tiếp
Việc sảy thai liên tiếp, nhiều lần là nỗi đau và ám ảnh của mọi người phụ nữ. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy những vấn đề bất thường về phôi thai như: bất thường về di truyền (trứng hoặc tinh trùng của hai vợ chồng bị bất thường về nhiễm sắc thể), bất thường về tử cung (như tử cung dị dạng, bệnh lý ở tử cung) hoặc một số bệnh lý khác. Theo các bác sĩ, nếu bạn bị sảy thai 3 lần liên tục thì bạn nên tiến hành thăm khám kỹ để tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị thích hợp trước lần mang thai tiếp theo.
7. Mắc bệnh tình dục
Một số bệnh tình dục có thể dẫn tới vô sinh như lậu, giang mai, bệnh do vi khuẩn Chlamydia hoặc Mycoplasma, bệnh do trùng roi…Khi mắc các loại bệnh này, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể và làm tổn thương các bộ phận sinh sản như cổ tử cung, vòi trứng, ống dẫn trứng gây vô sinh. Ngay cả khi vi khuẩn gây viêm âm đạo cũng khiến việc thụ tinh khó khăn do độ pH của âm đạo cũng bị ảnh hưởng.
8. Bị béo phì
Béo phì cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ. Đối với phụ nữ bị béo phì thì chức năng của buồng trứng sẽ bị suy giảm, gây ra tình trạng rối loạn kinh nghiệm, giảm ham muốn, giảm khả năng có thai và dễ bị mãn kinh sớm. Không chỉ vậy, việc chứa nhiều chất béo tích tụ trong cơ thể và ở buồng trứng cũng gia tăng nguy cơ bị sảy thai.
9. Bị thống kinh
Thống kinh là những cơn đau bụng dữ dội thường gặp ở nhiều người phụ nữ khi đến ngày hành kinh. Có 2 loại thống kinh là thống kinh nguyên phát và thống kinh thực thể. Với thống kinh nguyên phát, chị em sẽ gặp phải những cơn đau dữ dội ở bụng dưới. Tuy nhiên, khi thăm khám thì bác sĩ lại chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể.
Có một số bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, có các khối u xơ, polyp tử cung, viêm tử cung hoặc người từng đặt vòng tránh thai, tử cung bị dị dạng, u nang buồng trứng…đều là các nguyên nhân khiến phụ nữ bị thống kinh thực thể. Và tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà cơ chế đau của loại thống kinh này cũng khác nhau.
III. Phương pháp điều trị hội chứng vô sinh
Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để ứng dụng nhằm giúp tăng khả năng thụ thai cho các các cặp vợ chồng như:
- Thụ tinh nhân tạo (IUI): Cách điều trị này được áp dụng một số trường hợp chồng có tinh trùng yếu hoặc vợ bị dị ứng với tinh dịch…Với phương pháp này, bác sĩ sẽ chọn lọc những con tinh trùng khỏe mạnh và bơi trực tiếp vào buồng tử cung.
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Phương pháp này được áp dụng khi tinh dịch đồ kém hoặc nam giới bị tắc ống dẫn tinh. Tinh trùng và trứng sẽ được thụ tinh ở môi trường bên ngoài tử cung (trong phòng lab) thành phôi rồi mới đưa vào buồng tử cung để phát triển.
- Bơm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI): Phương pháp này giúp tăng tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm. Cụ thể, tinh trùng sẽ được lọc rửa và lựa chọn, bơm thẳng vào trứng trưởng thành.
- Kỹ thuật trưởng thành trứng non (IVM): Phương pháp này sẽ chọc hút noãn ở giai đoạn chưa trưởng thành và được nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt cho đến khi hoàn toàn trưởng thành. Tiếp đến, đem trứng đó kết hợp với tinh trùng để tạo thành phôi.
- Xét nghiệm sinh thiết tử cung (ERA): Nhờ loại xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ biết được cửa sổ làm tổ của niêm mạc tử cung để đưa ra thời gian thích hợp chuyển phôi cho người bệnh.
- Bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP): Phương pháp sẽ giúp cải thiện niêm mạc cho phụ nữ khị họ có nội mạc tử cung mỏng, thất bại làm tổ nhiều lần hoặc viêm nội mạc tử cung mãn tính.
- Phác đồ kích thích nhẹ buồng trứng (Mild Stimulation) là phương pháp được áp dụng có những phụ nữ có dự trữ buồng trứng thấp.
- Nội soi buồng tử cung chẩn đoán (Office Hysteroscopy): Được sử dụng nhằm chẩn đoán những bất thường trong buồng tử cung và kiểm tra tử cung ở những người bị vô sinh.
Ngoài các phương pháp trên thì cũng có nhiều kỹ thuật khác nhằm hỗ trợ điều trị vô sinh như hỗ trợ phôi thoát màng (AH), nuôi phôi ngày 5, chẩn đoán di truyền tiền là tổ (PGD) phôi ngày 5 trữ phôi, noãn, sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGS)…
Vô sinh hiếm muộn phụ nữ đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa, cản trở thiên chức làm mẹ của nhiều người. Hi vọng với bài viết trên, chị em đã có thêm nhiều kiến thức về vô sinh cũng như các triệu chứng có nguy cơ gây vô sinh. Nếu bạn nhận thấy sức khỏe sinh sản có bất thường thì các bạn hãy đến cơ sở y tế chuyên qua để được hỗ trợ và có hướng điều trị kịp thời.