Thuốc điều trị thiếu sắt

Hiển thị kết quả duy nhất

Sắt là một khoáng chất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể. Thiếu sắt không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu máu mà còn gây ra nhiều vấn đề khác cho sức khỏe.

Thiếu sắt là gì?

  • Thiếu sắt là tình trạng thiếu dinh dưỡng thường gặp nhất và dẫn tới thiếu máu do thiếu sắt. Khi bị thiếu sắt, cơ thể không thể có đủ lượng oxy cần thiết do hồng cầu bị thiếu, kết quả là bạn bị mệt và khó thở. Dù tình trạng thiếu sắt này rất hay gặp, nhưng nhiều người lại không biết họ bị thiếu sắt do các triệu chứng của nó có thể rất nhẹ làm bạn không chú ý tới. Thiếu sắt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và được điều trị bằng cách dùng bổ sung sắt.
  • Thiếu sắt là kết quả của việc thiếu hụt sắt dự trữ trong cơ thể. Tình trạng thiếu sắt cần phải được quan tâm vì nó có thể làm chậm quá trình phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ảnh hưởng tới bà mẹ và thai nhi trong thai kì cũng như ảnh hưởng tới công việc và sức khỏe của bạn.

Biểu hiện của tình trạng thiếu sắt

Các triệu chứng thiếu sắt là:

  • Cực kì mệt mỏi, yếu người
  • Da tái
  • Đau tức ngực, nhịp tim nhanh hoặc bị hụt hơi
  • Nhức đầu, chóng mặt hoặc muốn ngất xỉu
  • Giảm năng suất học tập và làm việc
  • Nhận thức kém và kém phát triển lúc nhỏ
  • Khó duy trì thân nhiệt
  • Giảm miễn dịch
  • Viêm lưỡi

Nguyên nhân gây ra thiếu sắt

Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu sắt. Các nguyên nhân này gồm 2 nhóm chính:

  • Tăng tiêu thụ sắt: ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người bị mất máu do ra máu nhiều vào ngày hành kinh hoặc thường xuyên hiến máu hoặc đang mắc các bệnh về đường tiêu hóa (nhạy cảm với thức ăn hoặc mắc giun móc)
  • Mất máu: phụ nữ có ngày hành kinh kéo dài hoặc ra máu nhiều ngày hành kinh có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt vì họ mất máu nhiều trong ngày hành kinh. Mất máu từ từ, kéo dài trong cơ thể do loét dạ dày, thoát vị hoành, poly đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng có thể gây ra thiếu máu thiếu sắt. Tình trạng chảy máu ống tiêu hóa có thể gây ra do dùng thường xuyên các thuốc giảm đau.
  • Mang thai: nếu không bổ sung thêm chất sắt, tình trạng thiếu máu thiếu sắt sẽ xảy ra ở rất nhiều thai phụ do nguồn lưu trữ sắt của cơ thể được sử dụng tối đa để làm tăng thể tích máu cũng như được sử dụng để sản xuất hemoglobin cho bào thai.
  • Giảm hấp thu sắt: do chế độ ăn ít hoặc không có thịt, thiếu vitamin C (giúp hấp thu sắt dễ hơn), dùng thuốc hoặc các chất ngăn cản hấp thu sắt ở ruột non
  • Khẩu phần ăn thiếu sắt: cơ thể bạn lấy chất sắt thông qua thức ăn. Nếu bạn tiêu thụ quá ít chất sắt, sau một thời gian cơ thể có thể bị thiếu sắt. Các thực phẩm cung cấp chất sắt bao gồm các loại thịt, trứng, rau có màu xanh và thực phẩm giàu sắt khác. Để phát triển tốt và hoàn thiện, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần chất sắt trong khẩu phần của chúng.
  • Mất khả năng hấp thu chất sắt: chất sắt trong thức ăn được hấp thu vào trong máu ở ruột non. Các bệnh lý ở ruột non như bệnh Celiac (bệnh không dung nạp gluten) ảnh hưởng tới khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của ruột non. Nếu như 1 phần của ruột non được làm phẫu thuật bắc cầu hoặc cắt bỏ, nó có thể ảnh hưởng tới khả năng hấp thu chất sắt cũng như các chất dinh dưỡng khác.

Yếu tố nguy cơ bị thiếu sắt

Các nhóm dưới đây có nguy cơ cao bị thiếu máu thiếu sắt:

  • Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai là nhóm nguy cơ thiếu sắt cao nhất do quá trình phát triển nhanh chóng và tăng nhu cầu sử dụng chất sắt.
  • Trẻ gái giai đoạn dậy thì và phụ nữ tuổi sinh đẻ có nguy cơ thiếu sắt do hành kinh.
  • Trẻ nhỏ từ 6 tháng tới 3 tuổi là nhóm tuổi thường bị thiếu sắt do tăng trưởng nhanh và không được cung cấp đủ chất sắt.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ thiếu sắt là những bé sinh non hoặc sinh nhẹ kí; bé được nuôi bằng sữa bò trước 12 tháng, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ và sau tháng thứ 6 không được cho ăn dặm; trẻ được nuôi bằng sữa công thức không bổ sung sắt; trẻ từ 1 – 5 tuổi uống hơn 700 ml sữa bò, sữa dê hoặc sữa đậu nành 1 ngày; trẻ bị nhiễm trùng mạn tính hoặc ăn uống kiêng khem.

Điều trị bệnh thiếu máu thiếu sắt như thế nào?

Nguyên tắc điều trị

  • Hạn chế truyền máu, chỉ truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng, mất bù.
  • Bổ sung các dạng chế phẩm sắt bằng truyền tĩnh mạch hoặc dung dịch uống, viên nén, khuyến khích sử dụng thuốc bổ sung sắt dạng uống.

Chỉ định sử dụng sắt đường truyền tĩnh mạch trong các trường hợp:

  1. Thiếu máu thiếu sắt nặng, rất nặng
  2. Cơ thể không hấp thu được sắt khi dùng dạng uống: Cắt đoạn ruột, dạ dày, bệnh bẩm sinh
  3. Thiếu máu trong khi bệnh mạn tính hoặc viêm nhiễm đang tiến triển.
  • Giai đoạn sớm khi mới thiếu sắt chưa thiếu máu: Bổ sung sắt qua thức ăn và uống các chế phẩm chứa sắt.
  • Thời gian bổ sung sắt: Kéo dài, nên tiếp tục bổ sung sắt thêm ba tháng sau khi lượng huyết sắc tố trở đã về bình thường.
  • Phối hợp với điều trị nguyên nhân: Cần tìm được nguyên nhân gây thiếu sắt để điều trị đồng thời với điều trị thiếu máu thiếu sắt.

Các chế phẩm thuốc bổ sung sắt

Dạng uống:

  • Ferrous sulfate; ferrous gluconate; ferrous fumarate;
  • Liều lượng: 2mg sắt/kg/ngày;
  • Thời gian dùng thuốc: 6 tháng đến 12 tháng.

Nên bổ sung thêm vitamin C hoặc uống thêm nước cam, chanh để tăng khả năng hấp thu sắt.

Dạng truyền tĩnh mạch:

Iron sucrose; Iron dextran… chỉ được dùng ở cơ sở y tế, không được tự ý sử dụng.

Cách tính liều lượng thuốc bổ sung sắt dạng tiêm:

  • Tổng liều (mg) = P (kg) x (Hb đích (G/L) – Hb thực (G/L)) x 0,24 + 500 mg
  • P: trọng lượng cơ thể (kg);
  • Hb: nồng độ huyết sắc tố (G/L).

Điều trị nguyên nhân

  • Phải chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt một cách triệt để, tránh gây thiếu sắt tái phát.

Phòng bệnh thiếu sắt

  • Bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai.
  • Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, bí đỏ, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,…Tăng hấp thu sắt bằng ăn uống các loại quả giàu vitamin C như cam, chanh, dứa, nho, ổi, đu đủ… khi ăn thức ăn nhiều sắt.
  • Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn.
  • Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời.

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kì triệu chứng gì đã kể trên hoặc bạn cảm thấy bất thường và điều đó làm bạn lo lắng. Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy gọi cho Nhà thuốc An Tâm chúng tôi theo số điện thoại:  0937542233 chúng tôi luôn sẵn lòng được hỗ trợ cho bạn.