Rối loạn tuần hoàn não hiện đang là một trong những bệnh lý về thần kinh mà nhiều người mắc phải. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về rối loạn tuần hoàn não để có thể nhận biết, phòng ngừa và điều trị bệnh lý này một cách tốt nhất.
Rối loạn tuần hoàn não là gì?
- Máu thực hiện các chức năng quan trọng trong cơ thể như hô hấp, dinh dưỡng, đào thải, điều hòa hoạt động của các cơ quan, nhất là cơ quan thần kinh trung ương. Máu lưu thông tốt là điều kiện cần thiết để các cơ quan được nuôi dưỡng và hoạt động tốt, nhất là não bộ.
- Tuần hoàn não là quá trình lưu thông của máu trong não, nó giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho chức năng não được khỏe mạnh. Mọi nguyên nhân làm cho máu lên não kém đều gây rối loạn tuần hoàn não. Nói cách khác, rối loạn tuần hoàn não là tình trạng các chức năng của não bị rối loạn do lượng máu lưu thông đến não không đủ. Tình trạng này có thể xảy ra nhất thời (thoáng qua), sau đó hồi phục và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần nếu người bệnh không chữa dứt điểm.
- Rối loạn tuần hoàn não còn được gọi với tên khác là thiểu năng tuần hoàn não.
Nguyên nhân làm rối loạn tuần hoàn não
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tuần hoàn não như:
- Do xơ vữa động mạch: Có khoảng 80% bệnh nhân thiếu máu não làm rối loạn tuần hoàn não do xơ vữa động mạch. Khi thành mạch có nhiều mảng xơ vữa hình thành sẽ làm giảm lưu lượng máu và giảm sự lưu thông máu đến nuôi dưỡng tổ chức não, từ đó gây nên rối loạn tuần hoàn não.
- Do rối loạn tuần hoàn chung: Những bệnh làm rối loạn tuần hoàn như huyết áp thấp, huyết áp cao, bệnh tim mạch (suy tim, hẹp van tim…), dị tật bẩm sinh động mạch (gấp khúc), viêm tắc mạch, chấn thương,…
- Nguyên nhân ngoài động mạch đốt sống: Mỏ gai xương, hư xương sụn đốt sống cổ, viêm khớp cột sống cổ, hẹp lỗ mỏm ngang, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ,…cũng có thể làm rối loạn tuần hoàn não. Rối loạn tuần hoàn não thường gặp ở những người lao động trí óc, căng thẳng, tập trung cao độ…Hoặc nhóm người lười vận động, uống quá nhiều rượu bia, hút thuốc lá nhiều,…cũng là đối tượng dễ bị rối loạn tuần hoàn não.
Rối loạn tuần hoàn não triệu chứng là gì?
Rối loạn tuần hoàn não có thể xảy ra cấp tính nhưng bệnh cũng có thể trở thành mãn tính kéo dài nếu người bệnh không điều trị. Những dấu hiệu rối loạn tuần hoàn não thường gặp là:
- Đau đầu: Đây là triệu chứng phổ biến và chiếm tỷ lệ cao nhất. Tính chất cơn đau đầu thường là đau đầu lan tỏa, có tính co thắt hoặc khu trú vùng chẩm gáy – trán. Đau tăng lên khi căng thẳng thần kinh.
- Nặng đầu, ê ẩm đầu.
- Chóng mặt, mất thăng bằng, có cảm giác lảo đảo thoáng qua hoặc xoay tròn.
- Luôn cảm thấy bồn chồn.
- Hay quên.
- Tê đầu ngón tay, ngón chân, hoặc tê bì tay chân có cảm giác như kiến bò.
- Nặng hơn có thể xây xẩm mặt mày, mất ý thức, đột quỵ.
- Các triệu chứng trên có thể xuất hiện thoáng qua hoặc kéo dài nhiều giờ đến vài ngày. Những bệnh nhân có huyết áp thấp hoặc cao, xơ vữa động mạch thì các triệu chứng có thể kéo dài nhiều ngày hơn.
Rối loạn tuần hoàn não có nguy hiểm không?
Rối loạn tuần hoàn não là do máu lên não kém nên mọi hoạt động của cơ thể đều suy giảm, gây ra những ảnh hưởng nhất định như:
- Mau quên
- Hay cáu gắt vô cớ
- Giảm ham muốn tình dục
- Luôn có cảm giác mệt mỏi, khó tập trung
- Tê bì tay chân
Rối loạn tuần hoàn não có thể diễn tiến lâu ngày và gây biến chứng nặng nề như:
- Đột quỵ
- Nhũn não
- Nhồi máu não
Những biến chứng này hầu hết đều rất nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi nhận thấy những triệu chứng rối loạn tuần hoàn não thì bạn nên đi khám để được chữa trị kịp thời.
Thuốc điều trị rối loạn tuần hoàn não tại Nhà thuốc An Tâm
Phương pháp điều trị rối loạn tuần hoàn não sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể mà bạn mắc phải và nguyên nhân gây nên bệnh. Tuy nhiên, mục tiêu điều trị chính vẫn là tập trung cải thiện lưu lượng máu lên não. Dựa trên nguyên nhân làm giảm tuần hoàn máu lên não, bác sĩ sẽ lựa chọn một số phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bạn.
Hầu hết các trường hợp rối loạn tuần hoàn não sẽ được điều trị bằng thuốc thích hợp. Các loại thuốc điều trị này có thể được chia làm 4 nhóm chính gồm:
- Thuốc cải thiện tuần hoàn não.
- Thuốc hạ huyết áp.
- Thuốc giảm đau đầu.
- Thuốc chống đông máu và kết tập tiểu cầu.
Ngoài ra bác sĩ có thể kê một số loại thuốc khác như thuốc kháng Histamin H1 (Cinnarizin), thuốc tăng cường chuyển hóa các tế bào thần kinh, thuốc cải thiện khả năng dẫn truyền thần kinh, cải thiện não bộ, phục hồi tổn thương não (Piracetam) hay một số thuốc khác điều trị giảm mức cholesterol (Rosuvastatin, Atorvastatin),…
Thuốc thường được dùng cho những người có ít hơn 50% động mạch bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần phải can thiệp phẫu thuật cắt nội mạc động mạch cảnh hoặc đặt stent khi mức độ hẹp của động mạch nặng lên đến 70% trở lên.
Phòng ngừa rối loạn tuần hoàn não
Duy trì lối sống lành mạnh luôn là biện pháp lý tưởng để phòng ngừa mọi bệnh tật, ngay cả đối với bệnh rối loạn tuần hoàn não. Dưới đây là một số gợi ý thay đổi lối sống để phòng ngừa rối loạn tuần hoàn não mà bạn có thể áp dụng:
- Chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế ăn thịt mỡ động vật, nhất là phần da, nội tạng động vật, bổ sung đạm bằng cá, các loại đậu, sữa, ăn nhiều rau củ, vitamin và khoáng chất.
- Tập luyện thể dục thường xuyên: Tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe,… Bạn nên tập luyện 30 ‐ 40 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần để có hiệu quả tốt nhất.
- Tham gia một số hoạt động văn hóa và thể thao, như ca hát, khiêu vũ và quần vợt, để tăng cường hoạt động tư duy của não bộ.
- Duy trì cân nặng phù hợp, kiểm soát mức cholesterol trong máu.
- Không sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá hay dùng các chất kích thích khác.
- Hạn chế tình trạng stress, căng thẳng kéo dài, nghỉ ngơi hợp lý, tránh xúc động và mệt mỏi quá mức.
- Theo dõi chặt chẽ các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường,…
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Trên đây là các thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh rối loạn tuần hoàn não. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm cho bạn những kiến thức bổ ích về bệnh rối loạn tuần hoàn não để có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bạn một cách tốt nhất.