Bệnh lao là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Năm 2018, ước tính có khoảng 10 triệu người bị mắc bệnh lao và 1,5 triệu người chết vì căn bệnh này. Khi bị mắc bệnh lao, nếu không được điều trị kịp thời, cơ thể người bệnh sẽ dần bị suy yếu và dẫn tới tử vong.
Bệnh lao là gì?
- Bệnh lao là do một loại vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan từ người sang người thông qua không khí. Khi người bị bệnh lao ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, họ sẽ phát tán vi khuẩn lao vào không khí, người bình thường chỉ cần vô tình hít phải một vài trong số những vi khuẩn lao này đều có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh tại phổi.
- Vi khuẩn gây ra bệnh lao không chỉ tấn công mỗi phổi mà nó có thể thông qua đường máu hoặc hạch bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể, điển hình như thận, cột sống và não để gây bệnh tại đó. Bệnh lao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới tử vong.
Các loại bệnh lao
Mặc dù cơ thể chứa vi khuẩn lao, nhưng hệ miễn dịch thường ngăn tình trạng vi khuẩn phát triển gây bệnh. Vì lý do này mà bác sĩ sẽ phân biệt giữa:
- Lao tiềm ẩn. Ở thể này, bạn bị nhiễm lao, nhưng vi khuẩn vẫn còn trong cơ thể ở dạng không hoạt động và không gây triệu chứng. Lao tiềm ẩn, hay lao không hoạt động không lây nhiễm. Tuy nhiên, nó có thể chuyển sang thể hoạt động, vì thế cần điều trị lao tiềm ẩn để giúp kiểm soát việc lây truyền lao trong cộng đồng. Ước tính có khoảng một phần ba dân số mắc lao tiềm ẩn.
- Lao hoạt động. Thể này gây bệnh và có thể lây lan. Thường xảy ra trong vài tuần đầu sau khi nhiễm vi khuẩn lao, hoặc có thể khởi phát sau nhiều năm.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao
Dấu hiệu và triệu chứng của lao hoạt động bao gồm:
- Ho
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Mệt mỏi
- Sốt
- Vã mồ hôi về đêm
- Ớn lạnh
- Chán ăn
Những cơ quan nào bị ảnh hưởng?
Lao thường tấn công vào phổi. Dấu hiệu và triệu chứng của lao phổi bao gồm:
- Ho kéo dài hơn 3 tuần
- Ho đàm hoặc máu
- Đau ngực, hoặc đau khi hít sâu hay ho
- Lao có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, như thận, cột sống và não. Khi lao xảy ra ngoài phổi, dấu hiệu và triệu chứng sẽ thay đổi tùy vào cơ quan bị mắc bệnh. Ví dụ: lao cột sống gây ra đau lưng, và lao thận có thể gây ra tiểu máu.
Nguyên nhân gây bệnh lao
- Vi khuẩn lao từ các hạt nước bọt li ti, hoặc trong các hạt bụi nhỏ có đường kính từ 1 đến 5 m sẽ dễ dàng bị hít vào phổi, xuống tận phế nang và nhân lên, gây bệnh tại phổi. Điều này xảy ra khi một người mắc lao phổi hoạt động không được điều trị, ho, nói, hắc hơi, khạc, cười hoặc hát. Từ phổi, vi khuẩn có thể qua máu, bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể (hạch bạch huyết, xương, gan, thận,…) và gây bệnh tại các cơ quan đó của cơ thể.
- Mặc dù lao là bệnh lây, nhưng nó không dễ mắc phải. Thường mắc bệnh lao từ những người bệnh sống chung hoặc làm việc chung hơn là từ một người xa lạ. Hầu hết những người bệnh lao phổi hoạt động được điều trị đúng thuốc ít nhất trong hai tuần là không lây nhiễm nữa.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm lao, nhưng một số nguy cơ làm tăng khả năng mắc lao bao gồm:
Suy yếu hệ miễn dịch
Một hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp chống lại thành công vi khuẩn lao, nhưng khi hệ miễn dịch suy yếu thì cơ thể không còn đủ sức chống cự hiệu quả nữa. Một số bệnh và thuốc điều trị có thể làm suy yếu hệ miễn dịch như:
- HIV/AIDS
- Đái tháo đường
- Bệnh thận mạn giai đoạn cuối
- Ung thư
- Hóa trị, xạ trị ung thư
- Thuốc chống thải ghép
- Thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, vảy nến.
- Suy dinh dưỡng
- Trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi
Nghèo đói và lạm dụng thuốc
- Thiếu chăm sóc y tế. Ở những người thu nhập thấp, sống ở vùng sâu vùng xa, vô gia cư là những đối tượng thiếu sự chăm sóc y tế khi cần thiết để chuẩn đoán và điều trị lao.
- Lạm dụng thuốc gây nghiện hay rượu. Việc sử dụng thuốc gây nghiện lâu dài hay nghiện rượu làm suy yếu hệ miễn dịch và làm cơ thể dễ nhiễm lao hơn.
- Hút thuốc lá. Sử dụng thuốc lá gây dễ mắc lao và tử vong vì lao hơn.
Nơi sống và làm việc
- Nơi chăm sóc sức khỏe. Việc tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân làm tăng cơ hội mắc bệnh lao. Mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải lao.
- Sống và làm việc nơi tập trung. Những người sống hoặc làm việc trong tù, khu tái định cư hay viện dưỡng lão có khả năng nhiễm lao cao. Bởi vì nguy cơ mắc bệnh cao ở những nơi đông đúc và ngột ngạt.
- Sống trong trại tị nạn. Trại tị nạn là những nơi nguy cơ rất cao dễ nhiễm lao do suy dinh dưỡng, bệnh tật và sống nơi chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém.
Biến chứng của bệnh lao là gì?
Nếu không điều trị, bệnh lao có thể gây tử vong. Bệnh lao không điểu trị sẽ ảnh hưởng lên phổi, nhưng cũng có thể lan sang các cơ quan khác trong cơ thể qua đường máu. Như là:
- Xương: Đau cột sống và hủy hoại khớp do lao xương khớp. Một số trường hợp có thể gây tổn thương ở xương sườn.
- Não: Lao não gây viêm màng não, gây phù màng não và tủy sống gây tử vong.
- Gan hoặc thận: Gan và thận giúp lọc và thải độc chất ra khỏi cơ thể. Nhưng chức năng này bị suy giảm nếu mắc lao.
- Tim: Nhiễm lao ở mô tim hay quanh tim gây viêm và tụ dịch màng ngoài tim làm ảnh hưởng hoạt động bơm máu của tim. Tình trạng này gây chèn ép tim và tử vong.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh lao
- Xét nghiệm đờm trực tiếp tìm vi khuẩn lao, nuôi cấy, chụp X-quang tim phổi, xét nghiệm máu.
- Một số xét nghiệm cao cấp giành cho trường hợp bệnh khó chẩn đoán: sinh học phân tử, nuôi cấy nhanh, kỹ thuật miễn dịch.
Điều trị bệnh lao như thế nào?
Nếu bạn mắc lao tiềm ẩn, có thể chỉ cần một loại thuốc điều trị lao. Lao hoạt động, cụ thể là với những chủng kháng thuốc, sẽ cần nhiều hơn một loại thuốc. Những thuốc thường dùng để điều trị lao bao gồm:
- Isoniazid
- Rifampin
- Ethambutol
- Pyrazinamide
- Streptomycin
Một vài bằng chứng cho thấy dùng vitamin D trong quá trình điều trị lao giúp tăng hiệu quả một số thuốc. Nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá điều này.
Tác dụng phụ của thuốc
Tác dụng phụ của thuốc kháng lao không thường gặp nhưng có thể rất nghiêm trọng. Tất cả thuốc lao đều có thể gây độc tính cao lên gan. Khi uống những thuốc này, cần gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu gặp những dấu hiệu sau:
- Buồn nôn hoặc nôn ói
- Chán ăn
- Vàng da
- Tiểu sậm
- Sốt trên 3 ngày và không có nguyên nhân rõ ràng nào
- Rối loạn thị lực kèm giảm thị lực, ám điểm trung tâm
Cách phòng chống bệnh lao
- Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao
- Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao
- Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày
- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý
- Phát hiện sớm người mắc bệnh Lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.
Vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi tổ chức và mỗi cá nhân hãy tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống bệnh Lao. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho cộng đồng biết cách phát hiện và phòng chống bệnh Lao có hiệu quả.
Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.