Bệnh giang mai là gì? Triệu chứng bệnh giang mai như thế nào và cách chữa bệnh giang mai có chữa khỏi không? Làm thế nào để biết bị giang mai? Biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra là gì? Hãy cùng Nhà thuốc An Tâm tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Giang mai là gì?
Giang mai là bệnh truyền nhiễm do một loại xoắn khuẩn có tên Treponema pallidum gây nên. Ảnh hưởng của giang mai lên cơ thể người bệnh là rất lớn, nó có thể gây thương tổn ở nhiều cơ quan và tổ chức khác nhau trên cơ thể. Bệnh lây nhiễm qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.
Có thể bạn quan tâm đến thông tin bệnh: Zona thần kinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Triệu chứng của giang mai
Bệnh có ba giai đoạn. Tùy theo giai đoạn mà có những triệu chứng khác nhau.
- Giai đoạn 1: Dấu hiệu bệnh giang mai xảy ra 2 đến 4 tuần sau khi bị nhiễm bệnh, bao gồm lở loét (bệnh hạ cam) ở nơi vi khuẩn vào cơ thể. Vết lở loét này thường xảy ra ở bộ phận sinh dục, nhưng cũng có thể được tìm thấy ở miệng hoặc trực tràng (hậu môn) nếu các bộ phận này cũng có liên quan đến hoạt động tình dục với người bị nhiễm bệnh. Vết lở loét này có thể tự lành sau 1 đến 5 tuần.
- Giai đoạn 2: Nếu bệnh không được điều trị, các biểu hiện của bệnh giang mai giai đoạn 2 bắt đầu 6-12 tuần sau đó. Các triệu chứng bao gồm: sốt, nhức đầu, đau khớp, mất cảm giác ngon miệng, nổi ban (trên bộ phận sinh dục, hoặc miệng, và đặc biệt là trên lòng bàn tay và lòng bàn chân), đau họng, sưng tuyến hạch (nách, háng, cổ), và mệt mỏi. Giai đoạn ngầm này có thể kéo dài nhiều năm mà không có triệu chứng.
- Giai đoạn 3: Bắt đầu khoảng 10-40 năm sau khi bắt đầu nhiễm bệnh. Các triệu chứng bệnh giang mai bao gồm tổn thương tim mạch và não, vấn đề trí nhớ, tê liệt, và vấn đề thăng bằng.
Nguyên nhân gây ra bệnh giang mai
- Nguyên nhân gây bệnh giang mai là một loài vi khuẩn tên Treponema Pallidum. Con đường lây lan phổ biến nhất là qua sự tiếp xúc với tổn thương của người đã bị nhiễm trong khi quan hệ tình dục. Vi khuẩn xâm nhập cơ thể bạn thông qua vết đứt hay vết trầy xước trên da hoặc niêm mạc. Bệnh giang mai có thể lây nhiễm trong giai đoạn một và hai, và đôi khi có thể ở giai đoạn tiềm ẩn sớm.
- Ít phổ biến hơn, giang mai có thể lây truyền qua tiếp xúc gần gũi trực tiếp, không an toàn với tổn thương đang hoạt động (chẳng hạn khi hôn) hoặc lây từ mẹ bị bệnh sang con trong thai kỳ hoặc khi sinh nở (giang mai bẩm sinh)
- Giang mai không lây lan qua việc sử dụng chung toilet, bồn tắm, quần áo, dụng cụ ăn uống, hoặc từ tay nấm cửa, bể bơi hoặc thau chậu.
- Khi đã được chữa khỏi, giang mai không tự tái phát. Nhưng, bạn có thể bị tái nhiễm nếu bản tiếp xúc với tổn thương giang mai từ người khác.
Có thể bạn quan tâm đến thông tin bệnh: Loạn thị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh giang mai
Bạn có thể đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm giang mai nếu bạn:
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Quan hệ với nhiều bạn tình
- Là nam có quan hệ tình dục đồng tính
- Bị nhiễm HIV, virus gây AIDS
Biến chứng và tác hại của bệnh giang mai
Nếu không được điều trị, giang mai có thể dẫn đến nhiều tổn hại cho cơ thể. Giang mai làm tăng nguy cơ nhiễm HIV, và đối với nữ có thể gây ra các vấn đề trong thai kỳ. Điều trị có thể giúp ngăn ngừa tổn hại trong tương lai nhưng không thể phục hồi lại những tổn hại đã xảy ra. Một số các biến chứng của giang mai là:
U, bướu nhỏ
Được gọi là gôm (gummas), những bướu này có thể phát triển trên da, xương, gan hoặc bất cứ cơ quan nào trong giai đoạn muộn của giang mai. Gôm thường biến mất sau điều trị với kháng sinh.
Vấn đề về thần kinh
Giang mai có thể gây ra nhiều vấn đề cho hệ thần kinh, bao gồm:
- Đột quỵ
- Viêm màng não
- Mất thính giác
- Tổn hại thị giác
- Suy giảm trí nhớ
- Mất cảm giác đau và nhiệt
- Bất lực ở nam
- Tiểu không tự chủ
- Những cơn đau đột ngột như tia chớp
Vấn đề về tim mạch
- Có thể bao gồm phình và viêm động mạch chủ – động mạch quan trọng nhất trong cơ thể bạn – và các mạch máu khác. Giang mai còn có thể gây tổn thương van tim.
Nhiễm HIV
- Người lớn bị nhiễm giang mai qua đường tình dục hoặc những bệnh sinh dục khác có nguy cơ bị nhiễm HIV cao gấp 2 đến 5 lần so với người bình thường. Tổn thương giang mai có thể chảy máu dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho HIV xâm nhập dòng máu trong hoạt động tình dục.
Biến chứng liên quan thai kỳ và sinh nở
- Nếu bạn mang thai, bạn có thể truyền bệnh giang mai cho bào thai chưa sinh. Giang mai bẩm sinh tăng rất cao các nguy cơ bị sẩy thai, thai chết lưu hoặc trẻ sơ sinh chết yểu trong vài ngay sau sinh.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh giang mai
Giang mai có thể được chẩn đoán bằng các mẫu xét nghiệm:
- Máu: xét nghiệm máu có thể khẳng định sự tồn tại của kháng thể được cơ thể sản xuất để chống lại sự nhiễm bệnh. Kháng thể chống vi khuẩn gây bệnh giang mai có thể tồn tại trong cơ thể qua nhiều năm, vì vậy xét nghiệm có thể dùng để xác định sự nhiễm bệnh mới đây hoặc cũ.
- Dịch não tủy: nếu nghi ngờ các biến chứng thần kinh gây ra do giang mai, bác sĩ có thể đề nghị bạn lấy mẫu dịch não tủy thông qua thủ thuật chọc dò thắt lưng.
- Thông qua trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh, cơ sở y tế địa phương của bạn có thể có các hoạt động nhằm giúp bạn thông báo với bạn tình rằng họ có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Qua đó, bạn tình của bạn có thể được kiểm tra, điều trị và việc lây truyền bệnh giang mai có thể được ngăn chặn.
Xem thêm thông tin bệnh khác: Bệnh
Điều trị giang mai
- Khi được chẩn đoán và điều trị trong giai đoạn sớm, giang mai có thể được chữa khỏi dễ dàng. Phương pháp điều trị thường dùng nhất cho tất cả các giai đoạn giang mai là penicillin, một loại thuốc kháng sinh có thể diệt vi khuẩn gây bệnh giang mai. Nếu bạn bị dị ứng với penicillin, bác sĩ sẽ đổi sang loại kháng sinh khác.
- Một liều tiêm đơn độc penicillin có thể ngưng diễn tiến bệnh nếu bạn bị nhiễm bệnh ít hơn một năm. Nếu bạn mắc bệnh lâu hơn một năm, bạn có thể cần nhiều liều bổ sung.
- Penicillin là phương thuốc duy nhất được khuyên dùng cho phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai. Thai phụ bị dị ứng với penicillin có thể trải qua quá trình giải mẫn cảm để giúp họ có thể dùng penicillin. Cho dù thai phụ được điều trị bệnh giang mai trong khi đang mang thai, trẻ sơ sinh vẫn nên được điều trị bằng kháng sinh.
- Vào ngày đầu được điều trị bạn có thể trải qua phản ứng được gọi là phản ứng Jarisch-Herxheimer. Dấu hiệu và triệu chứng bao gồm sốt, ớn lạnh, buồn nôn, cơn đau âm ỉ, đau đầu. Phản ứng này thường không kéo dài hơn một ngày.
Phòng chống bệnh giang mai
Hiện y học chưa có vắc – xin để phòng ngừa bệnh giang mai. Biện pháp phòng chống tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh là quan hệ tình dục an toàn.
- Quan hệ tình dục 1 vợ 1 chồng: Chung thủy trong hôn nhân không chỉ phòng tránh được giang mai mà còn các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Dùng bao cao su nếu có nhiều bạn tình: Nếu như bạn có một lối sống tình dục “phóng khoáng” thì biện pháp tốt nhất là nên mang bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bao cao su chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm chứ không bảo vệ hoàn toàn, bởi vì xoắn khuẩn vẫn có thể lây lan qua các vùng da không được bao cao su bảo vệ.
- Không quan hệ tình dục nếu chưa khỏi hẳn bệnh: Quan hệ trong khi đang điều trị giang mai sẽ khiến da bị trầy xước làm bệnh trầm trọng hơn hoặc lây cho bạn tình. Ngoài ra, nếu bạn đã điều trị khỏi giang mai mà bạn quan hệ trở lại với người mắc bệnh thì bạn vẫn có nguy cơ tái nhiễm rất cao.
- Phòng ngừa giang mai ở phụ nữ mang thai: Trước khi có ý định mang thai, phụ nữ nên đi khám sức khỏe tổng quát để phát hiện xem có mắc bệnh nào gây hại đến thai nhi hoặc sức khỏe người mẹ hay không từ đó có giải pháp xử lý phù hợp.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích: Không nên dùng rượu hoặc các chất kích thích như ma túy, thuốc lắc vì chúng khiến bạn mất lý trí, dẫn đến các hành vi tình dục không an toàn.
Bệnh giang mai nên được điều trị càng sớm càng tốt, điều đó góp phần đem lại tỉ lệ chữa khỏi bệnh cao hơn cho người bệnh. Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy gọi cho Nhà thuốc An Tâm chúng tôi theo số điện thoại: 0937542233, chúng tôi luôn sẵn lòng được hỗ trợ cho bạn.