Alzheimer: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 2022

Bệnh Alzheimer là bệnh khiến con người sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến hành vi và trí nhớ. Bệnh Alzheimer không chỉ ảnh hưởng đến với người bệnh mà người chăm sóc cho bệnh nhân cũng có nguy cơ bị tác động, rất dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng hoặc trầm cảm. Vậy Alzheimer là bệnh gì? Nguyên nhân và phòng ngừa bệnh alzheimer như thế nào? Thuốc điều trị alzheimer là gì? Khám phá bài viết ngay.

Alzheimer
Alzheimer: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 2022

I. Giới thiệu

Bệnh Alzheimer là loại bệnh làm sa sút trí tuệ, mất trí nhớ, chức năng nhận thức giảm rõ rệt, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tùy vào giai đoạn bệnh, triệu chứng của bệnh Alzheimer rất đa dạng. 

Ban đầu là chứng rối loạn về ngôn ngữ, hay quên, khả năng tính toán giảm, đi đường có thể bị lạc,…Kế tiếp là những biểu hiện nặng như hoang tưởng, rối loạn hành vi, thậm chí trầm cảm,… Cuối cùng người bệnh sẽ mất dần khả năng nhận thức cũng như những chức năng quan trọng: không còn tự ăn uống, tiểu tiện, dẫn đến tử vong do suy kiệt, bệnh lý nhiễm trùng hay tai nạn. 

Tùy vào thời điểm phát bệnh, thời gian sống trung bình của bệnh Alzheimer kéo dài khoảng 5-15 năm.

II. Dịch tễ học

Từ 1906 đến nay, số lượng bệnh Alzheimer ngày càng nhiều, đặc biệt khi tuổi thọ của con người càng gia tăng. Số liệu thống kê vào năm 2015 của The World Alzheimer Report 2015, số ca bệnh sa sút trí tuệ 3 ca/1 giây. Hiện nay, có khoảng 46,8 triệu người bị giảm trí tuệ, trong đó có khoảng 60% nguyên nhân từ bệnh Alzheimer. Tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer tăng theo độ tuổi, người dưới 75 tuổi chiếm 5% lên đến 40-50% của người 85 tuổi trở lên. 

Việt Nam cũng không ngoại lệ, tỉ lệ sa sút trí tuệ thống kê được khoảng 5% dân số 60 tuổi trở lên và ngày càng tăng dần. Để điều trị bệnh Alzheimer cần phải có một khoảng ngân sách khổng lồ đồng thời bệnh nhân và người thân cũng chịu một gánh nặng tinh thần cũng như thể chất không nhỏ. 

III. Nguyên nhân gây bệnh

Nhiều giả thuyết cho rằng, những bất thường chức năng của protein trong não làm cản trở hoạt động của các tế bào thần kinh, từ đó làm tổn thương tế bào, cuối cùng là tế bào thần kinh chết đi. 

Các nhà khoa học cho rằng có 2 loại protein được xem là nguyên nhân chính gây ra bệnh Alzheimer, đó chính là:

  • Amyloid beta: Đây là những protein hòa tan được hình thành trong quá trình chuyển hóa của tế bào não và được tiết vào trong dịch não tủy. Khi chúng bong ra và vón lại, tạo thành các mảng lắng đọng lớn hơn gọi là mảng amyloid ngáng giữa các tế bào. Điều này khiến cho việc chuyển tín hiệu bị gián đoạn của các tế bào thần kinh. Lâu dần, các tế bào không nhận được thông tin trở nên bất hoạt, từ đó xảy ra hiện tượng quên.
  • Protein tau: Loại protein này có tác dụng hỗ trợ và vận chuyển chất dinh dưỡng của tế bào thần kinh. Trong bệnh Alzheimer, chúng thay đổi hình dạng và tự tổ chức thành những cấu trúc được gọi là đám rối sợi thần kinh. Sau đó làm rối loạn hệ thống vận chuyển tín hiệu thần kinh và có hại cho các tế bào não, đồng thời chúng cũng làm suy giảm chất dẫn truyền thần kinh. Từ đó gây ra tình trạng các tín hiệu từ não không truyền đi đúng cách. 

IV. Ai là đối tượng dễ mắc bệnh?

Là một căn bệnh xảy ra rộng rãi, bệnh Alzheimer thường thấy ở những người có tuổi thọ cao. Những người bị rối loạn não từ bẩm sinh hoặc bị chấn thương cũng có nguy cơ bị bệnh. Ngoài ra, hiện nay giới trẻ cũng bị đe dọa bởi bệnh Alzheimer.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer như:

  • Tuổi tác: bệnh Alzheimer thường xuất hiện nhiều ở những người có độ tuổi 65 tuổi trở lên.
  • Trong gia đình có người mắc bệnh Alzheimer, gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nhưng không chắc chắn rằng cá thể mang gen đó sẽ phát triển thành bệnh.
  • Những người có bị chấn thương đầu trước đó hoặc bị suy giảm nhận thức nhẹ. 
  • Những người có lối sống không lành mạnh như: dùng chất kích thích, không ăn trái cây và rau xanh, ít vận động. 
  • Những người trong quá trình giao tiếp và học tập gặp vấn đề về mức độ giáo dục chính quy thấp, thiếu các hoạt động cần vận động trí não, ít giao tiếp xã hội.
Alzheimer
Ai là đối tượng dễ mắc bệnh?

V. Triệu chứng

  • Triệu chứng đầu tiên của bệnh Alzheimer là mất trí nhớ, quên tên hay nơi vừa đặt đồ vật,.. 
  • Trí nhớ và tư duy khác thường, hỏi một câu hỏi nhiều lần, quên tên người quen, khó khăn trong việc nhớ mọi thứ trong cuộc sống.
  • Ở những giai đoạn sau, người bệnh dần mất nhận thức, đi lạc hoặc lang thang không biết đường về, thậm chí thay đổi tính cách lẫn cảm xúc. Lúc này, người bệnh sẽ cần giúp đỡ từ người xung quanh và cần có một chế độ chăm sóc toàn diện.

Người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nếu có xuất hiện những biểu hiện trên để được xử lý kịp thời và có phương pháp điều trị phù hợp, tránh những tình huống xấu xảy ra.

VI. Biến chứng

Hội chứng bệnh Alzheimer gây ra tình trạng mất trí nhớ và rối loạn ngôn ngữ, mất khả năng phán đoán gây khó khăn trong việc điều trị những bệnh lý khác. Người mắc bệnh Alzheimer có thể xuất hiện:

  • Không báo với người khác rằng họ đang bị đau, ví dụ như đau tay, đau răng,…
  • Không thể tuân thủ đủ liệu trình khi điều trị.
  • Không thông báo hay mô tả tác dụng phụ của thuốc.

Khi bệnh đến giai đoạn cuối, não thay đổi ảnh hưởng đến các chức năng thể chất, như nuốt, không kiểm soát hành vi… Đa phần, những bệnh nhân không tử vong do bệnh Alzheimer gây ra mà thường từ các bệnh kèm theo như:

  • Viêm phổi: Tình trạng phổi bị phù nề, nhiễm trùng do việc hít phải những chất nhầy từ thức ăn, hay dịch dạ dày,… vào phổi hoặc đường hô hấp.
  • Nhiễm trùng: Bệnh nhân thường không tự chủ khi đi tiểu nên phải đặt thông tiểu, từ đó gây ra tình trạng nhiễm trùng đường niệu, nếu không được điều trị kịp thời, thậm chí đe dọa tính mạng.
  • Bị ngã và chấn thương: Bệnh nhân thường khó khăn trong việc định hướng khoảng cách từ đó khiến người bệnh bị ngã khi di chuyển tăng lên. Điều này làm cho người bệnh gãy xương, chấn thương vùng đầu, từ đó dẫn đến tình trạng xuất huyết, tụ máu… trường hợp nặng  cần được phẫu thuật và chăm sóc nội trú.
Alzheimer
Biến chứng Alzheimer Là gì?

VII. Phương pháp chẩn đoán

1. Đánh giá thay đổi chức năng của thần kinh nhận thức

Để phát hiện suy giảm chức năng nhận thức người ta thường dùng các test tầm soát như MMSE, Mini-Cog và MoCA được dùng phổ biến.

Với thang điểm MMSE, điểm cắt chẩn đoán SSTT là 26. Bên cạnh việc biểu hiện lâm sàng, có thể chẩn đoán giai đoạn bệnh theo thang điểm MMSE (theo NICE 2011):

  • Bệnh Alzheimer giai đoạn nhẹ: MMSE 21–26
  • Bệnh Alzheimer giai đoạn trung bình: MMSE 10–20
  • Bệnh Alzheimer  giai đoạn trung bình nặng: MMSE 10–14
  • Bệnh Alzheimer giai đoạn nặng: MMSE < 10

Các test đánh giá chuyên biệt thường được dùng để đánh giá chi tiết từng chức năng nhận thức như ngôn ngữ, trí nhớ, chức năng điều hành, thị giác cấu trúc, chú ý tập trung.

Alzheimer
Đánh giá thay đổi chức năng của thần kinh nhận thức

2. Đánh giá hoạt động sống hằng ngày

Các thang đánh giá hoạt động sống cơ bản là ADL- Activity of Daily Living và nâng cao là IADL- Instrumental Activity of Daily Living. Chúng thường được sử dụng để đánh giá chức năng nhận thức lên hoạt động hàng ngày của người bệnh. 

3. Đánh giá hành vi tâm thần

Có hơn 80% người mắc bệnh Alzheimer có biểu hiện rối loạn tâm thần như ảo giác, trầm cảm, hoang tưởng, lãnh đạm, kích động.

Thang điểm đánh giá trầm cảm người già là GDS (Geriatric Depression Scale) có khả năng tầm soát khả năng bệnh nhân bị trầm cảm.

Một bộ đánh giá trạng thái tâm thần kinh rõ rệt và có giá trị thường được sử dụng trong các nghiên cứu là bộ NPI (Neuropsychiatric Inventory) và bộ câu hỏi thu gọn NPI-Q (Neuropsychiatric Inventory Questionnaire) thường được dùng trên lâm sàng.

VIII. Biện pháp điều trị

1. Thuốc điều trị triệu chứng nhận thức kém 

Thuốc kháng men cholinesterase

Hiệu quả của các thuốc ức chế men cholinesterase (ChEIs) trong điều trị Alzheimer giai đoạn nhẹ đến trung bình đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu ngẫu nhiên. Do đó, ChEIs là thuốc được đề nghị sử dụng khi có chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của bệnh và hiệu quả đạt càng cao khi bệnh được chữa trị sớm. 

Các thuốc ức chế men cholinesterase và liều lượng khi dùng:

Thuốc Donepezil

  • Liều khởi đầu: 5mg
  • Liều duy trì: Có thể tăng lên 10mg sau 4 – 6 tuần, dùng liều 23mg/ngày cho thể nặng.
  • Chú ý: Chỉ dùng 1 lần/ngày.

Thuốc Rivastigmine: 

  • Liều khởi đầu: 1,5mg 2 lần/ngày.
  • Liều duy trì: Tăng 3mg/2-4 tuần, có thể đến tối đa 6mg 2 lần/ngày
  • Lưu ý: Tác động lên butyl-cholinesterase

Cần chú ý tác dụng phụ của nhóm thuốc kháng men nay khi điều trị có thể xuất hiện tình trạng nôn ói, mệt mỏi, tiêu chảy, và chậm nhịp tim.

Memantine

Memantine là một chất có áp lực trung bình với thụ thể NMDA, có khả năng điều hòa dẫn truyền thần kinh. Hiện nay, memantine được FDA cho phép điều trị Alzheimer giai đoạn trung bình đến nặng. Liều dùng 10mg mỗi ngày 2 lần. 

Ginkobiloba (EGb761)

Ginkobiloba (EGb761) có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức, hành vi tâm thần và hoạt động sống hàng ngày trên bệnh nhân Alzheimer. Ginkobiloba đã được World Federation of Societies of Biological Psychiatry (WFSBP) đưa vào trong điều trị bệnh Alzheimer vào năm 2011. Liều khuyến khích của Ginkobiloba là 240mg/ngày.

Những thuốc điều trị suy giảm nhận thức khác

Các thuốc statin, kháng viêm non-steroid và liệu pháp estrogen có thể dùng để điều trị bệnh Alzheimer nhưng không ghi nhận hiệu quả rõ rệt  và kèm nhiều tác dụng phụ. 

>> Ebixa 10mg – Điều trị chứng mất trí vừa đến nặng ở người lớn mắc bệnh Alzheimer

2. Điều trị rối loạn hành vi tâm thần (HVTT) trong bệnh Alzheimer 

Điều trị rối loạn hành vi tâm thần (HVTT) Alzheimer

   Việc xử trí rối loạn HVTT nên bắt đầu bằng biện pháp không dùng thuốc (luyện tập, giáo dục, xoa bóp dầu thơm trị liệu, kích thích cảm giác, âm nhạc theo từng người) vì các triệu chứng có thể giảm dần tự nhiên trong một khoảng thời gian ngắn.

         Các thuốc chống loạn thần nhóm cổ điển và nhóm mới đều có thể làm giảm rối loạn HVTT, đặc biệt là Risperidone có tác dụng tốt trong kích động/hung hăng và rối loạn tâm thần nhưng nguy cơ đột quỵ tăng, tỷ lệ tử vong tăng, hội chứng Parkinson và suy giảm nhận thức. Chúng nên dùng ở liều thấp và trong thời gian ngắn ở những người trung bình đến nặng.

         Các thuốc phòng chống trầm cảm ví dụ như các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs), có khả năng giúp ích trong việc sa sút trí tuệ nhưng không có các tác dụng kháng cholinergic có hại của các thuốc chống trầm cảm.

IX. Phòng ngừa bệnh Alzheimer

Để hạn chế diễn biến nguy hiểm của bệnh Alzheimer, cần giữ những thói quen sinh hoạt như: thay đổi không gian sống, ăn nhiều rau xanh và trái cây; tìm người hỗ trợ và chăm sóc; nghĩ tích cực về bệnh; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện về thể chất và tinh thần.

Bệnh Alzheimer diễn ra âm thầm khiến bệnh nhân không thể nhận thức được những suy nghĩ cũng như những hành động của mình. Người thân cần thấu hiểu, thông cảm, chăm sóc để họ không cảm thấy cô đơn và giúp bệnh tình được cải thiện hơn. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *